Nhân sự bao gồm nhiều chức năng, bên cạnh các chức năng hành chính tổng hợp thường thấy như Tuyển dụng, Lương & phúc lợi và Đào tạo & phát triển, một chuyên gia Nhân sự (HR Professional) thực thụ cần phải có khả năng góp phần tạo nên các giá trị giúp cho doanh nghiệp vươn xa hơn như hỗ trợ việc triển khai công nghệ hoặc các sáng kiến về kỹ thuật số, xây dựng và duy trì văn hóa tổ chức lành mạnh hoặc tích hợp một cách khéo léo lồng ghép chuỗi chiến lược nhân sự vào hoạt động kinh doanh của công ty. Nói cách khác, chức năng hành chính của Nhân sự ngày càng bị thu hẹp và dần được thay thế bởi các chức năng liên quan đến chiến lược và phát triển tổ chức.
Để làm được điều đó, một chuyên gia nhân sự điển hình sẽ cần phải phát triển tổng hợp các kỹ năng hành chính và chuyên môn trong suốt sự nghiệp của mình, điều này khiến họ trở thành một chuyên gia nhân sự theo mô hình chữ T (T-shape HR Professional).
Theo mô hình chữ T, một chuyên gia nhân sự cần phát triển một trong bốn năng lực cốt lõi tới mức độ thành thạo nhất định, đó là Nhạy bén trong kinh doanh, Định hướng dữ liệu, Tích hợp kỹ thuật số và Đại diện người lao động. Mỗi năng lực này đều có các khía cạnh khác nhau, bao gồm các hành vi cụ thể. Bên cạnh đó, chuyên gia nhân sự sẽ cần phải chuyên sâu về ít nhất một lĩnh vực nhân sự, đó có thể là tuyển dụng, DEIB, phân tích nhân sự hoặc phát triển tổ chức.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về năng lực đầu tiên: Nhạy bén trong kinh doanh
Một số người cho rằng, nhạy bén trong kinh doanh có nghĩa là am hiểu một số lĩnh vực kinh doanh nhất định, chẳng hạn như tài chính kế toán hoặc biết các chi tiết cụ thể của các lĩnh vực chức năng khác trong tổ chức như xuất nhập khẩu hoặc kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhạy bén trong kinh doanh có phạm vi rộng hơn nhiều và đây là năng lực nhân sự được nhiều sự quan tâm nhất trong ba thập kỷ qua. Kể từ khi giới thiệu vai trò đối tác kinh doanh, bộ phận nhân sự đã phải nâng cao năng lực nhạy bén trong kinh doanh và mặc dù đã có những cải tiến to lớn, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Nhân sự cần chuyển trọng tâm của mình từ những vấn đề và hoạt động nhân sự thông thường sang bức tranh toàn cảnh. Xét cho cùng, theo Dave Ulrich, “Tổ chức không tồn tại để làm cho các nhà quản lý và nhân viên hài lòng; chúng tồn tại để làm cho khách hàng và cổ đông hài lòng”.
Để đạt được điều này, các chuyên gia nhân sự cần phát triển sự hiểu biết vững chắc về doanh nghiệp, khách hàng và cổ đông của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn những vấn đề mà các nhà quản lý và điều hành đang cố gắng giải quyết, và nó sẽ giúp người làm nhân sự định vị doanh nghiệp để giành chiến thắng trên thương trường của mình.
Sự nhạy bén trong kinh doanh đề cập đến khả năng chuyển các mục tiêu, mục đích và tầm nhìn của tổ chức thành chiến lược, định vị các quy trình, chính sách và hoạt động phù hợp để phục vụ tốt nhất cho tổ chức và thúc đẩy tổ chức tiến lên. Đây là một cách thức nhằm cải thiện kết quả tài chính và phát triển khả năng lãnh đạo.
Sự nhạy bén trong kinh doanh đôi khi còn được gọi là nhận thức kinh doanh (business sense) hoặc hiểu biết kinh doanh (business savvy).
Các chuyên gia nhân sự có sự nhạy bén trong kinh doanh hiểu các nguyên tắc kinh doanh cốt lõi, các hoạt động nội bộ và bên ngoài, và các mục tiêu của tổ chức; họ có thể điều chỉnh và định vị một cách chiến lược các chính sách cũng như các hoạt động hàng ngày của mình và các thành viên trong tổ chức để phục vụ tốt nhất cho tổ chức và khách hàng cuối, thông qua đó gián tiếp mang lại lợi nhuận.
Vì vậy, Chiến lược nhân sự không thể tách rời khỏi Chiến lược kinh doanh mà là một phần thiết yếu để hiểu đầy đủ về một tổ chức và phục vụ tốt nhất cho cả nhân viên và khách hàng cuối của tổ chức đó.
Sự nhạy bén trong kinh doanh bao gồm 3 yếu tố:
1. Thấu hiểu bối cảnh
Thấu hiểu bối cảnh đề cập đến sự hiểu bối cảnh công việc trên toàn cầu và các động lực bên trong của tổ chức.
Khía cạnh này đòi hỏi các chuyên gia nhân sự phải nắm bắt tốt các xu hướng và lực lượng thị trường hiện đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hoặc thậm chí là trong tương lai, cộng với nhận thức toàn diện hơn về các yếu tố kinh tế vĩ mô và xã hội có ảnh hưởng đến tổ chức.
2. Định hướng khách hàng
Định hướng khách hàng đề cập đến kiến thức về sản phẩm hoặc dịch vụ của tổ chức, người dùng cuối và điều chỉnh các chính sách nhân sự để tối ưu hóa giá trị mang lại.
Điều quan trọng là phải có hiểu biết vững chắc về con người, văn hóa và khả năng lãnh đạo cũng như các động lực thay đổi.
3. Đồng sáng tạo chiến lược Đồng sáng tạo chiến lược đề cập đến việc Nhân sự có hiểu biết sâu rộng về giá trị của tổ chức và điều gì làm nên thành công (hoặc không) và sử dụng kiến thức này để đồng tạo chiến lược kinh doanh phù hợp cùng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nói cách khác, nó vượt ra khỏi vấn đề tài chính và cách thức hoạt động của doanh nghiệp.
Vai trò của Nhân sự trong các tổ chức hiện đại là xây dựng chiến lược nhân sự để cùng tạo ra chiến lược của công ty. Đó là lý do tại sao điều cần thiết đối với các chuyên gia nhân sự là phải hiểu hoạt động kinh doanh.
Để biết thêm về Biểu hiện của các chuyên gia nhân sự thể hiện sự nhạy bén trong kinh doanh và Cách phát triển sự nhạy bén trong kinh doanh của nhân sự, vui lòng tham khảo tại liên kết: https://www.aihr.com/blog/business-acumen-for-hr-professionals/
Tóm lại, một chuyên gia nhân sự thành công không chỉ cần kiến thức chuyên sâu về chế độ đãi ngộ và lợi ích, tìm kiếm nhân tài hay đào tạo và phát triển. Để tạo nên nhiều giá trị, uy tín cũng như góp phần thực tế cho sự phát triển của công ty, đòi hỏi chuyên gia nhân sự cần hiểu các hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cách sản phẩm được tạo ra, cách doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cách doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, v.v. Đây là lý do tại sao việc tìm kiếm các chuyên gia nhân sự trước đây đã từng làm việc trong lĩnh vực Tiếp thị, Bán hàng hoặc Phát triển Sản phẩm đang ngày càng phổ biến.
Source: AIHR, SHRM
https://www.aihr.com/blog/business-acumen-for-hr-professionals/
You must be logged in to post a comment.