1. Các định nghĩa thường gặp
Chuẩn sơ cấp (chuẩn gốc): là chuẩn có độ tinh khiết cao nhất, có các đặc tính quan trọng được thẩm định đầy đủ, có chất lượng phù hợp trong điều kiện quy định và có giá trị được chấp nhận mà không phải so sánh với chất chuẩn khác.
Chất chuẩn đối chiếu: gồm chuẩn dược điển và chuẩn không phải là chuẩn dược điển (chuẩn cơ sở do NSX cung cấp)
- Chất chuẩn Dược điển: là chất chuẩn gốc (primary) được thiết lập theo kiến nghị của ủy ban chuyên gia về kỹ thuật cho các chế phẩm dược phẩm, được sử dụng chủ yếu trong các thử nghiệm, phân tích hóa học và vật lý, tiêu chuẩn phân tích được mô tả chi tiết trong dược điển tại các chuyên luận chung hoặc cụ thể, có thể dùng để hiệu chuẩn các chuẩn thứ cấp. Chất chuẩn dược điển bao gồm: chuẩn dược điển quốc tế, chuẩn dược điển châu Âu, chuẩn dược điển Anh, chuẩn dược điển Mỹ, chuẩn dược điển Nhật…
- Chất chuẩn không theo dược điển: các chất chuẩn có độ tinh khiết rất cao, tuân theo tiêu chuẩn cơ sở (in-house) trong trường hợp hoạt chất mới hoặc không có sẵn tài liệu tham khảo tiêu chuẩn dược điển hoặc không được đề cập trong dược điển. Chúng cũng được xác minh thông qua các phương pháp thử nghiệm độc lập với chứng chỉ từ nhà sản xuất (Suppelco, Fluka, Sigma Aldrich, Merck…).
Chuẩn hiệu chuẩn: là chất chuẩn có độ tinh khiết cao và được sử dụng cho mục đích hiệu chuẩn thiết bị và được cung cấp bởi nhà sản xuất có chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.
Chuẩn thứ cấp (chuẩn làm việc): là những nguyên liệu có độ tinh khiết cao được định lượng tương đương trong khoảng chấp nhận với chuẩn sơ cấp (chuẩn gốc) và được sử dụng trong quá trình kiểm nghiệm hằng ngày của phòng kiểm soát chất lượng (Quallity Control – QC) trong nhà máy Dược Phẩm. Các chuẩn làm việc được thiết lập có hạn dùng giới hạn, tùy thuộc vào độ ổn định và hạn sử dụng của nguyên liệu, các chuẩn làm việc mới cần được chuẩn bị trước khi chuẩn làm việc lô trước gần hết hạn. Điều quan trọng phải lưu ý nếu một chuẩn làm việc đã hết hạn được sử dụng trong phân tích thì không thể đạt được độ tin cậy của kết quả báo cáo.
2. Mục đích
Các chất chuẩn gốc kèm với chứng chỉ phân tích và có khả năng liên kết chuẩn được công nhận trên toàn cầu thường có chi phí cao nhưng quy cách đóng gói nhỏ, thậm chí chỉ vài miligam nên khi sử dụng làm chất chuẩn phân tích hàng ngày với số lượng lớn các thí nghiệm tại Phòng Kiểm nghiệm của các Nhà sản xuất Dược phẩm sẽ dẫn đến chi phí rất lớn. Vì vậy, vấn đề nhân chuẩn / liên kết chuẩn trong phòng thí nghiệm được rất nhiều người quan tâm.
3. Quy trình chi tiết liên kết chuẩn trong phòng QC
3.1 Quy định đóng chai chuẩn làm việc
- Chuẩn bị chai/ lọ thủy tinh nâu đựng chuẩn khô, sạch, giấy parafilm khằn miệng chai, nguyên liệu dùng làm chuẩn cần đóng gói.
- Các bước đóng gói được thực hiện trong Glove box (tủ nhân chuẩn) để đóng chai chuẩn. Điều kiện môi trường khi đóng gói được qui định (nhiệt độ 22 ± 50C, độ ẩm 45 ± 5%).
- Lượng đóng gói/ 1 chai/ lọ tùy theo lượng chuẩn cân cho từng phép định lượng hoặc định tính, có thể từ vài chục đến vài trăm miligam nhưng ít nhất phải đủ 2 lần cân thử nghiệm. Vặn nút chặt, dùng giấy parafilm khằn kín miệng và nắp chai.
- Số lượng chai/ lọ cần đóng gói/ 1 đợt tùy theo số lượng sử dụng thực tế nhưng phải đủ cho đến khi hết hạn dùng và định kỳ kiểm tra chất lượng của chuẩn làm việc.
3.2 Lưu ý khi chọn lô nguyên liệu trong liên kết chuẩn
- Chọn lô nguyên liệu thô mới nhất được phê duyệt cho chuẩn làm việc có giá trị tinh khiết trên 99,0% (Tính trên chế phẩm khan hoặc trên chế phẩm nguyên trạng).
- Chọn lô không có bất kỳ báo cáo sai lệch nào hoặc ngoài tiêu chuẩn (OOS) trong quá trình lấy mẫu và thử nghiệm.
- Thu thập số lượng nguyên liệu để chuẩn bị chuẩn làm việc cần cân đối theo mức tiêu thụ nguyên liệu.
- Chuẩn làm việc mới sẽ được chuẩn bị trước khi chuẩn làm việc hiện tại hết hạn và gửi yêu cầu cho bộ phận kho nguyên vật liệu cần thiết.
3.3 Đánh giá độ đồng nhất
Các phép thử thông thường được thực hiện khi thực hiện liên kết chuẩn
- Định lượng – 6 mẫu bởi 2 kiểm nghiệm viên
- Mất khối lượng do làm khô / hàm lượng nước – 2/4 mẫu bởi 2 kiểm nghiệm viên
- Định tính – 1 mẫu bởi 1 kiểm nghiệm viên
- Độ tinh khiết sắc ký/ Chất liên quan/ Tạp chất liên quan
Đánh giá độ đồng nhất của chuẩn làm việc
- Lấy mẫu: Lấy ngẫu nhiên 12 chai/ lọ (12 mẫu thử) để tiến hành phép thử định lượng.
- Điều kiện chuẩn bị mẫu và đo mẫu:
- 1 kiểm nghiệm viên chuẩn bị 12 mẫu thử, chia làm 2 ngày, mỗi ngày chuẩn bị 6 mẫu thử. Đo mẫu 2 ngày trên 2 thiết bị khác nhau.
- 2 kiểm nghiệm viên chuẩn bị 12 mẫu thử trong cùng 1 ngày với mỗi người chuẩn bị 6 mẫu thử. Đo 6 mẫu/ 1 thiết bị với 2 thiết bị khác nhau.
- 2 kiểm nghiệm viên chuẩn bị 12 mẫu thử, chia làm 2 ngày, mỗi người chuẩn bị 6 mẫu thử. Đo mẫu trên cùng 1 máy.
- Điều kiện chuẩn bị mẫu và đo mẫu sẽ tùy thuộc vào phương pháp định lượng được thiết lập đề cương từ trước, bao gồm: phương pháp hóa học, phương pháp đo góc quay cực, phương pháp chuẩn độ điện thế hay phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao, phương pháp quang phổ UV-Vis hoặc phương pháp vi sinh vật.
- Yêu cầu độ lệch chuẩn tương đối (RSD%) của các kết quả định lượng phải đạt yêu cầu: RSD% ≤ 0.5% (phương pháp hóa lý – sắc ký) và RSD% ≤ 2.0 % (phương pháp vi sinh).
- Kết quả đo được và tính toán phải được đánh giá:loại bỏ sai số thô của những kết quả định lượng bằng phương pháp Dixon với độ tin cậy 95%, so sánh độ lặp giữa 2 kiểm nghiệm viên khác nhau hoặc 2 ngày kiểm nghiệm khác nhau của cùng 1 kiểm nghiệm viên bằng phương pháp “Student t-test cho hai tập hợp mẫu có phương sai không bằng nhau” với xác suất 95%.
- Nếu kết quả kiểm nghiệm của nguyên liệu đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn qui định thì nguyên liệu đó được chấp nhận dùng làm chuẩn làm việc. Kết quả đo được ghi nhận và thiết lập COA, báo cáo phân tích…
Một bộ hồ sơ chuẩn làm việc bao gồm:
1. Phiếu kết quả phân tích chất chuẩn làm việc phòng thí nghiệm
2. Hồ sơ phân tích chuẩn làm việc (đính kèm các dữ liệu như: quang phổ đồ, sắc ký đồ, phiếu cân…)
3. COA chất chuẩn chính thức
4. Phiếu gốc nguyên liệu của nhà sản xuất
5. Phiếu kiểm nghiệm nguyên liệu
3.4 Dán nhãn và bảo quản chuẩn
Nội dung trên nhãn dán thường bao gồm:
- Tên của Chất chuẩn thứ cấp/ chuẩn làm việc:
- Số của chai chất chuẩn:
- Số lô của chất chuẩn:
- Hàm lượng / Độ tinh khiết:
- LOD / Hàm lượng nước:
- Ngày đóng chai:
- Hạn dùng:
- Điều kiện bảo quản:
Quy định đóng chai – bảo quản chuẩn:
- Bảo quản các chuẩn làm việc trong các lọ thủy tinh cản sáng, đậy bằng nút cao su và niêm phong bằng giăng Nhôm/Parafin.
- Quy cách đóng gói mỗi lọ tùy theo từng phương pháp định lượng, từ vài chục đến vài trăm miligam.
- Bảo quản tất cả các lọ dung dịch chuẩn làm việc bổ sung trong khu vực được kiểm soát nhiệt độ môi trường (dưới 25°C) hoặc trong tủ lạnh (từ 2 đến 8°C) hoặc ≤ 00C, tuân theo quy định về bảo quản nguyên liệu thô.
- Toàn bộ quá trình đóng gói phải được thực hiện trong điều kiện môi trường xác định (tủ nhân chuẩn).
3.5 Nghiên cứu độ ổn định xác định hạn dùng
- Hạn dùng của chất chuẩn làm việc được xác định từ dữ liệu thẩm định của 3 lô chất chuẩn làm việc từ một nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, có chất lượng. Tuy nhiên, sau khi xác định được hạn dùng của 1 lô chất chuẩn làm việc thì tạm thời chấp nhận hạn dùng này và sẽ bổ sung dần cho đầy đủ 3 lô chất chuẩn làm việc như yêu cầu nêu trên. Như vậy, sau khi có kết quả thẩm định đầu đủ 3 lô, hạn dùng của chất chuẩn làm việc đã được thiết lập. Từ lô chất chuẩn làm việc thứ 4 trở đi thì không cần thẩm định thêm hạn dùng, trừ khi có thay đổi trong qui trình phân tích
- Theo dõi độ ổn định của chất chuẩn làm việc dùng kiểm tra chất lượng sản phẩm với tần suất xác định hạn dùng của lô chất chuẩn làm việc đầu tiên: mẫu ban đầu, mẫu 1 tháng, mẫu 3 tháng, mẫu 6 tháng, mẫu 9 tháng và mẫu 12 tháng. Tần suất xác định hạn dùng của lô chất chuẩn làm việc thứ 2; thứ 3: mẫu ban đầu, mẫu 6 tháng, mẫu 12 tháng.
4. Các lưu ý dành cho Kiểm nghiệm viên
- Kiểm nghiệm viên phải đảm bảo rằng chuẩn làm việc chưa hết hạn.
- Kiểm nghiệm viên nên bảo quản các chất chuẩn trong thời gian ngắn nhất có thể để tránh ẩm và ánh sáng.
- Cân bằng chất chuẩn làm việc với nhiệt độ phòng ít nhất 30 phút sau khi bảo quản trong tủ lạnh.
- Sử dụng số lượng chuẩn vừa đủ và không đổ lại chuẩn làm việc vào trong lọ.
- Sau khi sử dụng chuẩn làm việc, đậy nắp lại lọ đúng cách và để ở khu vực được chỉ định.
- Thu hồi chuẩn làm việc sau khi hết hạn theo SOP.